0938 519 909

Kiến thức tham khảo

Dạy cho trẻ làm theo yêu cầu là kỹ năng rất cần thiết và quan trọng. Ở kỹ năng này, ba mẹ sẽ rèn luyện cho trẻ hiểu lời nói của ba mẹ và thực hiện lấy một vật đưa cho người lớn theo đúng yêu cầu.

Tập cho trẻ đưa vật theo yêu cầu giúp trẻ phát triển được rất nhiều những kỹ năng như: tăng khả năng nhận thức, phát triển khả năng tự lập, tăng cường sự tập trung chú ý, phát triển ngôn ngữ - lời nói,  tăng được vốn từ và từ đó trẻ sẽ có thêm vốn từ phong phú để diễn đạt lời nói của mình.

Vậy ba mẹ tập cho trẻ biết đưa vật theo yêu cầu như thế nào?

Bước 1: Đưa ra yêu cầu cho trẻ lấy vật

Ở bước này ba mẹ cần nói trẻ lấy đồ vật. Khi nói, ba mẹ nên nói chậm, to, rõ và có kèm theo cử chỉ để hỗ trợ trẻ. Yêu cầu đưa ra cần ngắn gọn và đầy đủ nội dung. Ba mẹ có thể hỗ trợ bằng cách chỉ tay vào đồ vật trẻ cần lấy (ô tô).

Ví dụ: con lấy cho mẹ chiếc xe ô tô, con lấy cho ba cái ly,…

day be xoe tay 2

 Bước 2: Hướng dẫn trẻ đưa đồ vật cho người đối diện

Ở bước này cần có 2 người hướng dẫn (ba, mẹ). Ba ngồi cách mẹ và trẻ một khoảng cách ngắn. Khi trẻ đã cầm được đúng đồ vật, mẹ tiếp tục yêu cầu trẻ đem đưa cho ba. Vừa nói vừa chỉ tay về phía ba để gợi ý cho trẻ hiểu yêu cầu, đồng thời đẩy nhẹ người trẻ để khuyến khích trẻ đi về phía ba. Ở phía đối diện, ba gọi tên trẻ kèm theo cử chỉ bảo trẻ đi về phía mình. Ví dụ: con đưa xe ô tô cho ba!

Tiếp tục thực hiện hoạt động nhiều lần để tập cho trẻ hiểu lời nói của ba mẹ.

Bước 3: Giảm hỗ trợ bằng cử chỉ

Khi ba mẹ nhận thấy trẻ đã quen với hoạt động và dần dần hiểu được lời nói, lúc này ba mẹ cần giảm sự hỗ trợ bằng cử chỉ, chỉ đưa ra yêu cầu với lời nói. Khi trẻ thực hiện được ba mẹ cần vỗ tay hoan hô để khuyến khích trẻ duy trì hoạt động. Ngược lại, nếu trẻ chưa thực hiện được và còn lúng túng, thì ba mẹ cần quay lại thực hiện bước 1 để hỗ trợ thêm cho trẻ.

Bước 4: Trẻ tự thực hiện

Ở bước này sẽ chỉ còn trẻ với một người hướng dẫn. Ba hoặc mẹ sẽ yêu cầu trẻ lấy đồ vật và đưa cho mình bằng lời nói, ví dụ: con lấy cho mẹ xe ô tô đi. Nếu trẻ thực hiện được tốt  thì ba mẹ hãy khen hoặc thưởng cho trẻ một món quà nhỏ để tăng sự thích thú của trẻ với hoạt động. Sau khi trẻ đã tự đưa được đồ vật theo yêu cầu tốt, ba mẹ có thể ngồi với khoảng cách xa hơn hoặc yêu cầu trẻ lấy đồ vật khác để rèn luyện thêm cho trẻ.

Kết luận

Hoạt động này khá đơn giản để thực hiện nhưng ba mẹ cũng cần nắm rõ các bước và luôn quan sát tiến trình thực hiện của trẻ để giúp trẻ điều chỉnh kịp thời. Ba mẹ cần tạo điều kiện để trẻ có thể rèn kỹ năng này mọi lúc mọi nơi, ví dụ: nhờ trẻ lấy khăn, tự lấy dép, cặp,…. Và điều quan trọng nhất là ba mẹ phải luôn kiên nhẫn và dành thời gian cùng trẻ, xem việc học như là một hoạt động chơi và tạo ra nhiều sự thích thú cho trẻ.

Tác giả Lưu Kim Phát

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Makoto Shichida (2021), New First (dịch). Yêu thương, khen ngợi và nhìn nhận – Bí quyết nuôi dạy con theo phương pháp Shichida, NXB Thế Giới.
  2. Shouko Yoshimoto (2020), Thanh Bình (dịch). Mẹ thông thái dạy con tại nhà, NXB Lao Động.